Vì sao cần tiêm hai liều vắc-xin Sởi?
Theo lịch tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm vắc-xin sởi vào 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Vì sao trẻ cần tiêm hai liều vắc-xin sởi, chế độ tiêm hai liều có lợi gì cho trẻ?
- Sự nguy hiểm của bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây ra, bệnh sởi rất dễ lây, trung bình một người mắc có thể lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Không có trường hợp người lành mang vi-rút, tất cả những người nhiễm vi-rút sởi đều sẽ mắc bệnh sởi. Cho đến nay bệnh sởi vẫn là một bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát thành dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hàng năm, có khoảng 100.000 bệnh nhân tử vong do mắc sởi, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước nghèo, kém phát triển có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp.
Bệnh sởi lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của bệnh nhân. Hoặc có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của người mắc sởi. Thời gian lây nhiễm kéo dài, từ 4 ngày trước khi có triệu chứng phát ban đến 4 ngày sau khi hết phát ban.
Bệnh sởi khởi phát với các triệu chứng như sốt cao, ho, hắt hơi. Giai đoạn toàn phát, bệnh nhân bị phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Các ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ xuống thân mình rồi đến tay, chân. Khi ban bay cũng theo thứ tự như trên.
Khi mắc sởi, sức đề kháng giảm nên người bệnh sởi rất dễ mắc các biến chứng. Sự nguy hiểm của bệnh sởi là do những biến chứng của bệnh gây ra. Những biến chứng thường gặp những năm gần đây là:
- Viêm tai giữa: đây là biến chứng thường gặp nhất, xuất hiện ở 1/10 số trẻ nhiễm sởi.
- Viêm phổi: xảy ra ở 1/20 số trẻ nhiễm sởi, tình trạng viêm phổi thường nặng, trẻ có nguy cơ tử vong
- Loét giác mạc: đây là một biến chứng rất nguy hiểm của sởi, có thể gây mờ mắt, thậm chí dẫn đến mù lòa.
- Suy dinh dưỡng nặng sau khi nhiễm sởi làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
- Viêm não: tỷ lệ xảy ra là 1/1.000 người mắc sởi.
- Phụ nữ có thai nếu mắc sởi, có thể bị sảy thai hoặc sinh non, sinh trẻ nhẹ cân.
- Vì sao cần tiêm hai liều vắc-xin sởi?
Tiêm vắc-xin sởi là biện pháp phòng sởi chủ động tốt nhất. Nhờ triển khai tiêm vắc-xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc sởi ở Việt Nam liên tục giảm từ năm 1984 đến nay. Năm 1984, tỷ lệ mắc bệnh sởi là 1.5666,2/100.000 dân, năm 2000 tỷ lệ mắc sởi là 29,8/100.000 dân; năm 2001, tỷ lệ mắc sởi tiếp tục giảm còn 8,6/100.000 dân. Tiêm vắc-xin sởi giúp giảm nguy cơ mắc sởi, từ đó giảm nguy cơ gặp các biến chứng nặng nề và nguy cơ tử vong do bệnh.
Hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc-xin sởi được tiêm hai liều vào lúc trẻ 9 và 18 tháng tuổi. Theo các nghiên cứu trên thế gới, nếu chỉ tiêm một liều vắc-xin vào lúc trẻ 9 tháng tuổi thì chỉ có 85% trẻ được tiêm vắc-xin có đáp ứng miễn dịch. Mũi tiêm thứ hai lúc 18 tháng tuổi giúp cho những trẻ chưa có miễn dịch ở mũi tiêm đầu có cơ hội tạo đáp ứng miễn dịch. Sau khi được tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin, tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng là trên 95%. Mũi tiêm thứ hai không giúp làm tăng hiệu giá kháng thể đối với những trẻ đã có kháng thể trong mũi tiêm đầu.
Vắc-xin sởi được đánh giá là vắc-xin an toàn, các phản ứng sau tiêm như sốt, phát ban, sưng nóng, đau chỗ tiêm,… thường nhẹ, sẽ hết sau 1-2 ngày. Các phản ứng dị ứng nặng rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên các bậc cha mẹ cần giữ trẻ lưu lại phòng tiêm 30 phút sau tiêm để theo dõi.
Tiêm vắc-xin có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ trẻ trước các bệnh dịch nguy hiểm. Vì sự an toàn của trẻ, các bậc cha mẹ hãy ghi nhớ lịch tiêm chủng và đưa trẻ đi tiêm đủ các mũi vắc-xin.
Tài liệu tham khảo: