Cách sơ cứu khi bị sứa biển tấn công
Vào dịp hè, người dân đi tắm biển bị sứa tấn công là không hiếm gặp. Nhiều trường hợp người dân bị sứa tấn công chỉ bị ngứa rát tại chỗ vùng da tiếp xúc, nhưng vẫn có trường hợp có các triệu chứng về hô hấp, tiêu hóa, tim mạch…cần được điều trị tại cơ sở y tế.
Sở dĩ gây độc với con người là do trên cơ thể loài sứa có các xúc tu với hàng triệu tế bào có chứa chất gây và gây độc. Vì vậy nếu vô tình chạm vào sứa khi đang bơi, các chất độc này sẽ bám vào da, và xâm nhập vào cơ thể.
Tùy theo loại sứa có độc chất cao hay thấp mà cơ thể bạn sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Thông thường bạn sẽ mắc viêm da tiếp xúc kích ứng với chất độc của sứa biển, biểu hiện là nổi các sẩn đỏ, bọng nước ở vùng da tiếp xúc, lan thành vệt do bệnh nhân cào gãi, cảm giác đau rát và ngứa nhiều.
Khi bị sứa “cắn”, ban đầu biểu hiện nhẹ thường chỉ:
– Ngứa, rát.
– Nổi mẩn đỏ, toàn thân thấy khó chịu.
– Chỗ vết thương có dạng xoắn hoặc thẳng nổi đầy bọng nước.
Biểu hiện nặng, để tránh bị sốc phản vệ, bạn cần đến bệnh viện khi thấy các dấu hiệu:
– Đau đầu dữ dội.
– Người tím tái, bị tức ngực, khó thở.
– Mồ hôi ra nhiều.
– Buồn nôn bị đau bụng.
– Tiêu chảy nhiều.
– Tụt huyết áp, mạch đập nhỏ, nhanh…
Cách xử trí khi bị sứa “cắn”
– Đưa ngay người bị sứa đốt ra khỏi vùng nguy hiểm có sứa một cách bình tĩnh. Khi đã lên bờ, tuyệt đối không gãi vùng bị đốt hoặc chạm tay vào vùng bị sứa đốt bởi lúc này có thể vẫn còn xúc tu cắm vào da, gãi hoặc chạm vào nó sẽ chỉ khiến bạn bị đốt nhiều hơn.
– Nhổ các xúc tu bám vào da bằng dụng cụ sạch. Rửa vùng da và che lại bằng gạc.
– Hạn chế chạm tay vào vết đốt tránh gây nhiễm trùng lan rộng vết thương.
– Tuyệt đối không dùng nước uống, nước ngọt tắm tráng để rửa vết sứa đốt bởi nó có thể làm tăng sự phóng độc, gây rát buốt.
– Nên rửa vết đốt bằng giấm, nước chanh tươi, vắt nước vào vết ngứa hay nước biển để làm sạch các chất độc. Có thể dùng ammoniac, cồn hoặc soda cũng phát huy tác dụng tốt. Chườm mát các vị trí tổn thương.
– Có thể uống thêm thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin và bôi kem có chứa corticoid theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Theo dõi người bị đốt nếu có những biểu hiện nặng như đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, phù mặt, nôn ói, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt… thì phải chở ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị.